Cơ chế xã hội Lâm_Ấp

Thời kỳ đầu, hệ thống kỹ thuật kiến trúc Lâm Ấp qua di tích và hiện vật khảo cổ cho thấy ảnh hưởng Trung Quốc nhiều hơn ảnh hưởng Ấn Độ. Sau đó, thương nhân và tu sĩ Ấn Độ bắt đầu giao tiếp dần với người Lâm Ấp. Những người Ấn này đã truyền cho giới quý tộc địa phương văn minh và văn hóa của họ, và luôn cả cách thức tổ chức xã hội. Khác với người Hoa, tổ chức xã hội của người Ấn mang tính phân quyền cao hơn, phù hợp với nếp sống của người địa phương nên được tầng lớp thượng lưu địa phương ưa chuộng. Đặc điểm của người Ấn là ít dùng bạo lực để áp đặt văn hóa hay uy quyền chính trị của mình trên những xã hội khác, kém hơn, mà để các thân hào địa phương tự nguyện làm thay, sau khi hấp thụ văn minh và văn hóa của họ.

Sau khi Khu Liên qua đời, chữ Phạn trở thành chữ viết chính thức của các triều vương. Các bi ký tìm được trong giai đoạn này đều khắc bằng chữ Phạn. Quốc thư trao đổi của Lâm Ấp với Trung Quốc thời đó được viết bằng "Hồ tự" (tức chữ Phạn) thay vì chữ Hán. Thời cuối Lâm Ấp (thời đầu Chăm Pa), văn hóa Ấn Độ trở thành văn hóa chính của vương quốc. Ấn Độ giáoPhật giáo bắt đầu được truyền bá.

Về chính trị: các vị vua thời cuối Lâm Ấp (thời đầu Chăm Pa) đều ghép tên mình với một thần linh, thường là với Shiva (còn gọi là Isvara) để độc quyền cai trị. Uy quyền vua thể hiện qua lọng màu trắng mà dân thường không được dùng. Thời đầu Chăm Pa, giúp việc cho vua là các quan lại trung ương và địa phương, được phân chia thành 3 hạng:

  • Đứng đầu là 2 vị tôn quan (senapati và tapatica, tức 2 tể tướng võ và văn)
  • Tiếp theo là thuộc quan gồm ba loại: luân đa đinh (dandavaso bhatah - tướng chỉ huy cấm vệ), ca luân trí đế (danay pinang - quan hầu trầu) và ất tha già lan (yuvaraja - kế vương)
  • Cuối cùng là ngoại quan (quan lại địa phương).

Quân đội Lâm Ấp khoảng từ 40.000 đến 50.000 người, gồm kỵ binh, tượng binh và thủy binh.

Triều đình Trung Quốc có lẽ cũng muốn chấm dứt tình trạng tranh chấp văn hóa và chính trị kéo dài quá lâu này nên đã chấp nhận sự ly khai một cách miễn cưỡng, họ gọi tên quốc gia mới này là Lâm Ấp, thay vì Hồ Tôn Tinh hay Tượng Lâm như trước kia, và duy trì mối quan hệ tốt để thu nhận nhiều phẩm vật triều cống.

Về danh xưng, Lâm Ấp chỉ là sự biến nghĩa của từ Tượng Lâm. Đối với nhà Đông Hán, danh xưng Lâm Ấp là một khinh miệt, vì đó chỉ là một phần đất nhỏ không quan trọng ở vùng cực nam để phải quan tâm trực tiếp. Thủy Kinh Chú viết:

Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ Tượng để chỉ còn chữ Lâm

Lâm Ấp Quốc là phiên âm Hán-Việt (phát âm theo thời nhà Đường) của từ 林邑國 / 臨邑國 (phát âm theo tiếng Quan ThoạiLin-yi-quo). Nguồn gốc của từ Lâm Ấp thì có hai giả thuyết.

  • Thứ nhất là gọi tắt của từ Tượng Lâm Ấp (thủ đô Tượng Lâm) như Thủy Kinh Chú viết. Trong bi ký tiếng Phạn, đời sau, các vua Chăm Pa luôn ghi quốc hiệu là Campanagara (thành Chăm Pa), Campapura (Ấp Chăm Pa). Nhưng trong bi ký thời Lâm Ấp thì chưa tìm thấy quốc hiệu bằng tiếng Phạn nên ghi chép của Thủy Kinh Chú chưa có minh chứng. Hơn nữa, cư dân Lâm Ấp và cư dân Chăm Pa (Chiêm Thành) chưa chắc là một nên giả thuyết này còn yếu.
  • Thứ hai là phiên âm của từ "dừa" (tiếng Chăm cổ gọi là Li-u). Thế kỷ thứ 5-6, nước Lâm Ấp (Quan Thoại: Lin-yi) đối diện với nước Phù Nam (Quan Thoại: Fu-nan). Đời sau, người Chăm Pa có 2 nhà vua là Narikera Vamsa (椰子族, Da Tử tộc/bộ lạc Dừa) và Kramka Vamsa (檳榔族, Tân Lang tộc/bộ lạc Cau). Tiếng Chăm cổ gọi "dừa" là Li-u (gần 林邑 Lâm Ấp/Lin-yi), "cau" là Pu-nang (giống 扶南 Phù Nam/Fu-nan). (Tiếng Mã Lai hiện đại gọi "cau" là pi-nang, Quan Thoại và Hán-Việt là 彼南 pi-nan/Bỉ Nam.) Giả thuyết này có thể chứng minh được mối quan hệ giữa hai nhà vua Dừa và Cau. Nhưng như trường hợp giả thuyết thứ nhất, cư dân Lâm Ấp và cư dân Chăm Pa (Chiêm Thành) chưa chắc là một nên giả thuyết này cũng còn yếu.

Về địa lý, vương quốc Lâm Ấp ở đâu, lãnh thổ như thế nào thì còn rất nhiều điểm mơ hồ. Theo sử cổ Trung Quốc thì lãnh thổ vương quốc này là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, phía nam huyện Lô Dung (Thừa Thiên-Huế ngày nay). Đường thư nói Lâm Ấp từ huyện Tây Quyển (Quảng Bình) trở xuống. Đại Nam Nhất Thống Chí nói Tượng Lâm là Bình ĐịnhPhú Yên. Thủy Kinh chú cho biết thủ phủ Lâm Ấp lúc đầu không biết ở đâu, sau được biết đặt tại Khu Lật (thành phố Huế ngày nay), phía nam có sông Lô Dung (sông Hương) chảy qua.

Một số nhà Chăm Pa học cho rằng Lâm Ấp là lãnh thổ Indrapura từ mũi Hoành Sơn đến đèo Hải Vân, do vương triều Gangaraja, tức những người Ấn Độ đến từ sông Gange, khai sinh ra. Sự kiện này cần được ghi nhận với sự dè dặt vì cho đến nay chưa một dấu tích bia ký nào giải thích sự kiện này.